Thời kì văn minh Hy Lạp và La Mã cổ đại, xuất hiện trường phái Hyppocrate. Quan sát trên cơ thể sống, Hyppocrate cho rằng cơ thể có 4 dịch, tồn tại theo tỉ lệ riêng, có quan hệ cân bằng với nhau để tạo ra sức khoẻ. Đó là: Máu đỏ (do tim sản xuất, mang tính nóng), dịch nhầy (không màu, do não sản xuất, thể hiện tính lạnh), máu đen (do lá lách sản xuất, mang tính ẩm), mật vàng (do gan sản xuất, mang tính khô). Bệnh của con người là do sự mất cân bằng về tỉ lệ và quan hệ giữa 4 dịch đó.
Những quan sát trực tiếp của Hyppocrate khá cụ thể (4 dịch là có thật) và có thể kiểm chứng được. Nhờ vậy các thế hệ đi sau có điều kiện kiểm tra, sửa đổi và phát triển, nhất là khi phương pháp thực nghiệm được áp dụng vào y học, đưa y học cổ truyền tiến lên. Chính vì vậy, Hyppocrate được thừa nhận là ông tổ của y học nói chung (cả y học cổ truyền và hiện đại).
Ông đã có công lớn trong việc tách y học khỏi ảnh hưởng của tôn giáo, chủ trương chẩn đoán bệnh dựa trên sự phát hiện các triệu chứng khách quan.
Là tác giả của “Lời thề thầy thuốc” hay còn gọi là “lời thề Hyppocrate” được truyền tụng đến ngày nay, ông đề cao đạo đức y học.
Louis Pasteur (1822 - 1895)
Louis Pasteur sinh ngày 27-12-1822 tại thị trấn Dole, miền Đông nước Pháp. Năm 25 tuổi, ông tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm với điểm giỏi. Năm 30 tuổi, ông được cử làm giáo sư hoá học tại Trường Đại học Strasbourg. Sau hai năm, Pasteur lại được cử đến làm khoa trưởng và Giáo sư hoá học tại Trường Đại học Lille. Tại đây, ông đã dành thời gian nghiên cứu tìm hiểu các hiện tượng lên men.
Năm 1857, Pasteur được cử làm Giám đốc Viện nghiên cứu khoa học và Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Paris. Qua nhiều năm nghiên cứu, ông đã tìm ra sự thật: Các loại men đều là những vật thể sống có cấu tạo và tác động khác nhau. Ông khẳng định: Không có sự sống thì không có men. Ông tiến hành nhiều thực nghiệm khác nhau để chứng minh rằng trong không khí luôn luôn có mặt các vi sinh vật, là nguyên nhân gây nên các hiện tượng lên men và thối rữa.
Năm 1865 Pasteur bắt đầu chú tâm đến mối quan hệ giữa vi sinh vật và bệnh tật. Sang năm 1877, ông hoàn tất việc nghiên cứu bệnh than và quan tâm đến bệnh dịch tả gà. Tháng 9-1879, qua nghiên cứu ông tìm ra phương pháp tiêm chủng vắc xin phòng bệnh tả gà, rồi phương pháp tiêm chủng vắc xin phòng bệnh than cho gia súc. Công trình xuất sắc nhất trong sự nghiệp vĩ đại của Pasteur là công trình nghiên cứu virus đại. Sau nhiều năm mày mò khảo sát, ông đã hoàn tất việc chế tạo vắc xin phòng bệnh dại, nhờ đó đã cứu được mạng sống của biết bao người.
Ngày 14-11-1888, Viện nghiên cứu mang tên Pasteur được thành lập ở thủ đô Paris - nước Cộng hoà Pháp để nghiên cứu các phương pháp điều trị và phòng chống các bệnh truyền nhiễm. Đánh giá công cao to lớn của Louis Pasteur đối với sự nghiệp phát triển của y học, Ilia Metchnikoff nhà bác học Nga vĩ đại, học trò xuất sắc của Pasteur đã xếp ông vào đội ngũ những chiến sĩ tiên phong trong cuộc cách mạng y học và là người đặt nền móng cho nền y học hiện đại trên thế giới.
Alexandre Yersin (1863 – 1943)
Năm 1890, Yersin cùng với Emile Roux phát hiện độc tố vi khuẩn bạch hầu và phương pháp phòng chống bệnh này. Năm 1895, ông thành lập viện Pasteur đầu tiên ở Việt Nam, sản xuất các vắc-xin và huyết thanh phòng chống dịch bệnh đang lan tràn.
Năm 1897, Yersin phát hiện ra bệnh nhiệt than và bệnh dịch tả trâu bò ở Việt Nam, sản xuất thành công thuốc chữa bệnh này. Năm 1902, ông nhậm chức Hiệu trưởng Trường Đại học Y - Dược khoa Đông Dương (tiền thân của Trường Đại học Y Hà Nội ngày nay).
Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (1909 – 1968)
Ông là người Việt Nam đầu tiên nghiên cứu về bệnh lao và là người sáng lập ra Viện chống lao.
Những công trình nghiên cứu của ông về lao và bệnh phổi là những cột mốc, tiêu chuẩn cho chuyên ngành lao và bệnh phổi: tiêm phòng chống lao bằng BCG...
Từ năm 1945, ông bắt đầu tham gia kháng chiến với nhiều cương vị mà Đảng và Chính phủ giao tại miền Nam như Chủ tịch ủy ban kháng chiến đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Năm 1955, ông là thứ trưởng Bộ Y tế kiêm viện trưởng Viện chống lao Trung ương. Trong thời gian này, ông đề ra năm phương châm y tế cách mạng, đường lối tổ chức y tế và nghiên cứu y học Việt Nam.
Từ năm 1959, ông trở thành bộ trưởng Bộ Y tế. Trong thời gian làm thứ trưởng rồi bộ trưởng, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã tổ chức mạng lưới y tế đến cơ sở, gíup công tác phòng chữa bệnh và cấp cứu trong chiến tranh.
Năm 1968, ông xung phong vào miền Nam chỉ đạo công tác y tế và hy sinh tại Tây Ninh trong đợt đi khảo sát để nắm rõ tình hình y tế về mọi mặt ở Nam bộ. Ông được chính phủ trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động - Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Giáo sư - bác sĩ Đặng Văn Ngữ (1910 – 1967)
Giáo sư Đặng Văn Ngữ tốt nghiệp Trường Đại học Y Dược khoa Đông Dương, ngành kí sinh trùng. Ông không mở phòng khám bệnh mà tiếp tục công việc học tập và nghiên cứu, trở thành giảng viên của trường.
Năm 1941, ông được gửi sang Nhật tiếp tục học ngành y. Tại đây ông đã nuôi cấy thành công nấm pê-ni-xi-lin có tác dụng kháng khuẩn. Năm 1946, ông trở về Việt Nam, cùng với các giáo sư Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di... giảng dạy ở Trường Đại học Y kháng chiến ở Việt Bắc. Ông bắt đầu chiết nước lọc pê-ni-xi-lin phục vụ kháng chiến.
Hoà bình lập lại, GS. Đặng Văn Ngữ trở về thủ đô làm việc ở Trường Đại học Y Hà nội, được bầu làm viện trưởng Viện sốt rét, kí sinh trùng và côn trùng, đồng thời là chủ tịch Hội vệ sinh phòng dịch. Vừa nghiên cứu, viết sách và giảng dạy, ông đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu nhằm tìm ra các biện pháp thích hợp và tốt nhất để tiêu diệt các bệnh kí sinh trùng và truyền nhiễm.
Trong thời gian này, ông còn có những công trình khoa học quý giá trong ngành giun sán học như việc phát hiện bệnh giun sán bằng cách tiêm chất nghiền giun vào trong da, thuốc tẩy giun đơn giản, hiệu quả, cách chữa giun chui ống mật và tắc ruột do giun mà không phải mổ...
Đầu năm 1967, ông tiến hành tự thí nghiệm trên cơ thể mình và sản xuất ra thuốc tiêm phòng sốt rét. Công trình nghiên cứu của ông đã góp phần đẩy lui dịch sốt rét hoành hành rất dữ dội ở các chiến trường miền nam lúc đó. Tháng 4-1967, ông hy sinh tại tuyến lửa Vĩnh Linh. Ông được Chính phủ truy tặng danh hiệu Anh hùng lao động.
GS.VS. Tôn Thất Tùng (1912 – 1982)
GS.VS. Tôn Thất Tùng là thầy thuốc đầu tiên trên thế giới đặt cơ sở cho phương pháp cắt gan khô dựa trên luận án nghiên cứu về các mạch máu trong gan. Ông cùng các giáo sư, bác sĩ khác xây dựng Trường Đại học Y khoa kháng chiến ở Chiêm Hoá, Việt Bắc. Sau hoà bình lập lại, ông trở thành giám đốc bệnh viện Việt Đức.
Ngày 20-9-1961, ông mổ cắt nửa gan phải cho một người bị bệnh u gan, ca mổ chỉ kéo dài 6 phút. Trong vòng một năm tiếp theo, ông đã mổ cắt gan tổng cộng 50 trường hợp, gấp 10 lần số ca mổ gan trên thế giới lúc bấy giờ.
GS. Tôn Thất Tùng được bầu làm viện sĩ Viện Hàn Lâm Y học Liên Xô (cũ), viện sĩ Viện Hàn lâm Phẫu thuật Paris, ủy viên Hội Phẫu thuật Lyon, ủy viên Hội phẫu thuật Cộng hoà Dân chủ Đức (cũ) và ủy viên Hội phẫu thuật Algerie. Khi còn sống, ông là đại biểu Quốc hội, anh hùng lao động và được tặng nhiều huân chương cao quý.
Đạo làm thuốc là một nhân thuật chuyên bảo vệ sinh mạng con người, phải lo cái lo của người, vui cái vui của người, chỉ lấy việc cứu sống mạng người làm nhiệm vụ của mình không nên cầu lợi kể công. |