Trang chủ Tin tức y dược Học viện Quân y Gắn đào tạo & nghiên cứu, đáp ứng nhu cầu xã hội
Học viện Quân y Gắn đào tạo & nghiên cứu, đáp ứng nhu cầu xã hội

(GD&TĐ) - Thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, khám chữa bệnh phục vụ quân đội nhưng Học viện Quân Y cũng coi đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân là nhiệm vụ của người lính trong thời bình. Để đáp ứng đòi hỏi đó và nâng cao chất lượng đào tạo, Học viện đã đẩy mạnh các hoạt động đào tạo gắn với nhu cầu xã hội và đặc biệt triển khai có hiệu quả thế mạnh của Học viện trong việc gắn nghiên cứu khoa học với đào tạo đại học và sau đại học. Báo GD&TĐ đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Đại tá Đồng Khắc Hưng – Phó Giám đốc Học viện Quân Y về những vấn đề liên quan.

 

Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo bác sĩ cho quân đội, thời gian qua Học viện Quân y đã tích cực triển khai các hoạt động đáp ứng nhu cầu xã hội, xin ông cho biết việc thực hiện thế nào?

PGS.TS Đại tá Đồng Khắc Hưng: Học viện chúng tôi đảm nhiệm 3 nhiệm vụ chính: Đào tạo, nghiên cứu khoa học và điều trị cho bệnh nhân trong Quân đội. Năm 1993, đứng trước nhu cầu ngày càng cấp thiết về đội ngũ y bác sĩ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội, Học viện bắt đầu triển khai đào tạo hệ dân sự. Tuy nhiên chính thức đến năm 2002 lớp Dân y khoá I mới chính thức được mở, lớp này đã tốt nghiệp năm 2008. Đến nay chúng tôi đã đào tạo được 7 khoá bác sĩ dân y. Ngoài ra chúng tôi còn đào tạo dược sĩ dân y và và bác sĩ đa khoa 4 năm là y sĩ cơ sở ở các tuyến cơ sở, tuyến xã, huyện miền núi, vùng sâu vùng xa được địa phương cử đi học và thi tuyển tại Học viện của 6 tỉnh biên giới phía Bắc. Còn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, trong vòng 10 năm qua Học viện cũng tham gia đào tạo được 1.000 bác sĩ 4 năm cho khu vực này.

Được biết, để lấp chỗ trống về bác sĩ cho Tây Nguyên, Chính phủ đã có chỉ đạo Học viện đào tạo bác sĩ cử tuyển cho khu vực này, chương trình được thực hiện đến đâu, thưa ông?

PGS.TS Đại tá Đồng Khắc Hưng: Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình đào tạo bác sĩ cử tuyển cho Tây Nguyên đã được triển khai theo đó mục tiêu là đào tạo 600 bác sĩ cho con em các dân tộc thuộc các tỉnh Tây Nguyên. Sẽ có 6 khoá được mở, mỗi khoá có 100 học viên. Hiện nay Chương trình đang được triển khai tốt, năm 2010 lớp bác sĩ cử tuyển Tây Nguyên khoá I sẽ ra trường, đến năm 2014 chương trình sẽ kết thúc. Tất cả các em theo học chương trình này đều do các tỉnh lựa chọn và gửi lên Học viện đào tạo, các em cũng phải cam kết ra trường về phục vụ đồng bào dân tộc tại nơi mình đã được cử tuyển. Theo học chương trình, sinh viên sẽ phải học dự khoá 1 năm các môn tiếng Việt, Toán, Lý, Hoá, Sinh sau đó mới tham gia chương trình đại học.

Để thực hiện, chúng tôi đã hết sức vất vả, phải xây dựng lại nội dung chương trình đào tạo thành 6 năm (hệ đại học của học viên là 7 năm), phải tập huấn cho cán bộ, giảng viên để giảng dạy cho đối tượng này sao cho phù hợp vì hạn chế lớn nhất của các em là tiếng Việt. Rồi phải tạo điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị nơi ăn ở, sách vở cho học viên với những trang bị cần thiết đủ cho một học viên ngành y học tập. Khó khăn là phải vừa dậy vừa dỗ, phải tạo ý thức say mê học tập trong các em, động viên để các em nỗ lực phấn đấu trong học tập để trở thành bác sĩ. Giờ đây các học viên Tây Nguyên đã có được tính chuyên cần của sinh viên ngành Y.
Gắn đào tạo & nghiên cứu, đáp ứng nhu cầu xã hội ở Học viện Quân y
Giờ học của lớp cử tuyển bác sĩ cho khu vực Tây Nguyên

Chính phủ, Bộ GD&ĐT đang chỉ đạo các nhà trường phải đẩy mạnh hơn nữa việc gắn nghiên cứu khoa học với đào tạo đại học và sau đại học, vậy các hoạt động này đang được triển khai ra sao ở Học viện, thưa ông?

PGS.TS Đại tá Đồng Khắc Hưng: Học viện Quân Y là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học lớn nhất của quân đội và đất nước. Chỉ tính riêng về đào tạo sau đại học, hiện chúng tôi đang dẫn đầu cả nước với tổng số hơn 600 tiến sĩ đã được bảo vệ luận án thành công, với những công trình y học có giá trị đóng góp lớn choY học và cho xã hội. Quân Y viện 103 là nơi thực hiện đầu tiên ca ghép thận (năm 1992), ca ghép gan (năm 2002) trên cả nước. Là nơi mổ, điều trị thoát vị đĩa đệm hàng đầu đất nước, nhiều bệnh viện lớn gửi bác sĩ đến học tập. Hiện chúng tôi cũng đã triển khai được 2 tháng dự án ghép tim, theo đó năm 2011 sẽ thực hiện thành công việc ghép tim trên người. Viện bỏng Quốc gia là viện đầu ngành cả nước về bỏng với nhiều thành tựu trong việc chữa trị bỏng sâu, có công trình ghép da, tế bào sợi và các nghiên cứu ứng dụng thuốc hiệu quả cao.

Gắn nghiên cứu khoa học với đào tạo đại học, sau đại học được Học viện trú trọng quan tâm và coi đây là cách làm tốt nhất để nâng cao chất lượng đào tạo, đội ngũ. Đối với đào tạo sau đại học, Học viện là nơi có rất nhiều các đề tài, dự án cấp nhà nước, bộ và cấp cơ sở, và chúng tôi đang đẩy mạnh triển khai việc gắn đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ và bác sĩ chuyên khoa cấp 2, các đề tài nghiên cứu khoa học đều mang tính thực tiễn cao. Đối với sinh viên, Học viện đặc biệt khuyến khích những học viên giỏi, khá có trình độ ngoại ngữ tốt tham gia nghiên cứu khoa học. Chỉ riêng năm học 2008, Học viện đã đề xuất 79 đề tài nghiên cứu khoa học cho sinh viên, đã có 151 sinh viên cả trong quân đội và dân sự tham gia. Trong đó có 33 đề tài đạt từ giải I đến giải khuyến khích, trong đó các giải I – II – III sẽ được trao giải Vifotec. Đến nay, năm nào cũng có sinh viên của trường tham gia nghiên cứu khoa học được giải Vifotec dành cho sinh viên có đề tài xuất sắc trong nghiên cứu khoa học. Ngay ở lớp Dược 9 này có 4 học viên được giải I và được tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới trao giải thưởng.

Theo tôi gắn đào tạo và nghiên cứu khoa học là phương pháp tốt để rèn luyện cho học viên, tiếp cận và làm quen với nghiên cứu - điều này rất quan trọng với mỗi bác sĩ, nhà khoa học trong tương lai.

 

 

free statistics

DMCA.com Protection Status