Trang chủ Sức khỏe - Đời sống Gánh nặng học phí ngày khai trường
Gánh nặng học phí ngày khai trường

Mỗi năm đến ngày khai trường, lưng của hàng triệu người cha người mẹ lại còng thêm dưới gánh nặng đã đeo đẳng qua suốt các bậc học của từng đứa con.
Một bà mẹ trẻ, nhập cư Sài Gòn từ Bến Tre có gánh hàng rong khoai và chuối sáp cho biết, ngay lúc hai đứa con vừa nghỉ hè, bà đã để dành tiền lo cho tụi nó đi học. Bà kể: “Lo gì mà có hôm ngủ mớ luôn, ông chồng khều dậy hỏi, tui mắc cỡ hổng dám kể. Ngủ mà còn mơ tiền để dành không đủ đóng tiền trường, sắm đồng phục, tập sách cho tụi nhỏ!” Từ gánh nặng ngân quỹ giáo dục của các gia đình có thu nhập thấp, thu nhập trung bình, người ta thấy khoảng cách giàu – nghèo ngày một lớn trong việc bảo đảm học hành cho mỗi đứa trẻ. Ngay cả trong những năm kinh tế ổn định, số trẻ bỏ học vì gia cảnh đã đáng báo động, đương nhiên mùa nhập học trong bối cảnh suy giảm kinh tế hiện nay thì số trẻ nạn nhân sẽ còn tăng.

Nhiều người đã trưởng thành nhớ lại mùa tựu trường trong những năm tháng chiến tranh, bao cấp trước đây, dù muôn vàn khó khăn nhưng chưa bao giờ tuổi học trò bị ám ảnh chuyện phải bỏ học vì không đủ tiền trường, đồng phục, tập viết, sách giáo khoa... Nhìn ở góc độ văn hoá, chế độ giáo dục bao cấp dù sao cũng là một điểm sáng nhân văn giúp hàng triệu phụ huynh bớt gánh nặng chi phí giáo dục phổ thông. Đưa ra một so sánh như vậy thật trớ trêu, nhưng cần thiết để cảnh tỉnh bởi hệ thống giáo dục các bậc phổ thông đang có nguy cơ trở thành hệ thống công lập có học phí.

Trước đủ mọi hình thức và nội dung thu tiền dưới bảng hiệu giáo dục, một nhà giáo về hưu sau khi đi xin nhập trường cấp một cho đứa cháu, đã nói: “Gia đình tôi may mắn đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu của cái trường đúng tuyến cháu học, đó là một trường điểm, nhưng nhiều phụ huynh có gia cảnh khó khăn sẽ thấy bất hạnh”. Sau ngày tựu trường, sau những xúc cảm nhìn con em bước vào cánh cửa học đường thì lập tức nỗi ám ảnh về học phí ập đến, đơn cử như khoản “học phí” bắt buộc được gọi dưới tên khác là “tiền xây dựng cơ sở vật chất”. Đáng ra khoản thu này phải trên tinh thần tự nguyện, không thể bắt buộc, cào bằng, bởi mọi công dân thông qua nghĩa vụ đóng thuế đã hoàn thành trách nhiệm xây dựng cơ sở vật chất giáo dục. Ngân sách quốc gia chi cho giáo dục mỗi năm đều tăng, riêng năm 2012 tăng 5,4% so với 2011. Về mặt chính thức, không ai thừa nhận chuyện giáo dục phổ thông phải trả học phí nhưng cứ hỏi hàng triệu phụ huynh thì biết, họ đã tốn tiền ra sao cho con em được hoàn tất các bậc học phổ thông!

Một minh chứng khác: theo tin từ sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM, năm học 2011 – 2012, nguồn kinh phí từ xã hội đóng góp cho ngành giáo dục thành phố là 1.200 tỉ đồng, trong đó các khoản mà phụ huynh đóng là 300 tỉ đồng. Nhiều người có lý do chính đáng khi nhìn sang những quốc gia có cùng các chỉ số phát triển như Việt Nam để đặt câu hỏi: từ tiền thuế, chính phủ ở các quốc gia đó đã bảo đảm một ngân sách giáo dục phổ thông không mất tiền cho toàn dân, thế thì tại sao Việt Nam lại không? Chỉ riêng TP.HCM, tiền học phí của chủ trương xã hội hoá giáo dục đã là 300 tỉ đồng, thế thì cả nước là bao nhiêu? Tất cả các khoản gọi là học phí hay được gọi dưới tên khác thuộc chủ trương xã hội hoá đó liệu có phá vỡ tính nguyên tắc và sự minh bạch của luật định về quốc sách giáo dục?

Đừng để chủ trương xã hội hoá giáo dục biến tướng thành một thứ cơ hội mở ra một dạng giáo dục: công lập có học phí. Ai dám chắc thứ tiêu chuẩn kép trong giáo dục công lập – có học phí sẽ không tiêu cực biến thành một dạng thị trường giáo dục chợ đen béo bở vô phương kiểm soát. Mọi người đều biết: một công dân trẻ nếu không được thụ hưởng nền giáo dục phổ thông tối thiểu để thích nghi với xã hội Việt Nam hôm nay và tương lai, thì người thiệt thòi đó có nguy cơ không tìm thấy cơ hội sử dụng trí tuệ đúng như thiên năng họ có, và quốc gia sẽ suy giảm nghiêm trọng nguyên khí trí thức.

Theo vietnamnet.vn

 

free statistics

DMCA.com Protection Status