Ông Lê Văn Thanh – Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) đã có cuộc trao đổi nhằm giúp lao động Việt Nam nắm bắt cơ hội quý báu này.
- Lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản khá đông nhưng ngành điều dưỡng và y tá chưa phải là thế mạnh của Việt Nam. Vậy đâu là lý do để LĐ của chúng ta nhận được sự tin tưởng của phía bạn?
– Trước hết phải nói về những ấn tượng của LĐVN trong mắt giới chủ doanh nghiệp Nhật Bản. Hiện nay đang có 15 quốc gia cử tu nghiệp sinh sang Nhật. Trung Quốc ở vị trí đầu, sau đó là Việt Nam. Đây là thị trường đứng thứ tư về lượng tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc. Năm nay, dù phía bạn bị thiên tai nặng nề nhưng đến nay số lượng sang Nhật đã tăng trên 30% so với cùng kỳ, đưa tổng số LĐ Việt Nam làm việc tại Nhật Bản từ đầu năm đến nay lên gần 5.000 người. Người Nhật đánh giá rất cao về thái độ làm việc của tu nghiệp sinh Việt Nam, nhất là sau khi Nhật Bản gánh chịu thảm họa động đất, sóng thần hồi đầu năm nhưng tất cả thực tập sinh của ta không “bỏ của chạy lấy người” mà đều ở lại Nhật cùng bạn khắc phục hậu quả. Được đánh giá cao về tính cần cù, thông minh nên chủ doanh nghiệp đã chăm lo tốt cho người LĐ, không có sự phân biệt giữa lao động trong và ngoài nước.
Một lý do khác cũng xuất phát từ thực tế là dân số Nhật Bản đang già đi nên nhu cầu tiếp nhận y tá và điều dưỡng của họ rất cao. Đã có 3 quốc gia cử LĐ ngành điều dưỡng, y tá sang thị trường Nhật Bản. Trước Việt Nam đã có Indonesia và Philippines. Như vậy, sau các ngành nghề như: chế biến thực phẩm, hàn, đóng gói, nông nghiệp, chăn nuôi, cơ khí, lắp ráp điện tử, may, thủy sản, gia công kim loại, giặt là, sắp tới chúng ta sẽ có thêm LĐ ở ngành điều dưỡng và y tá có cơ hội xuất cảnh sang đất nước Hoa anh đào làm việc.
– Việc đưa LĐ sang Nhật sẽ do các DN thực hiện như đã từng đưa tu nghiệp sinh hay theo hình thức nào khác?
– Tiếp nhận y tá, điều dưỡng viên của ta sang Nhật làm việc, theo thỏa thuận, cả Việt Nam và Nhật Bản đều thành lập một cơ quan điều phối. Dự kiến, tháng 3-2012 sẽ tuyển chọn, đào tạo ứng viên. Đầu năm 2013 sẽ bắt đầu đưa LĐ sang. Chúng ta vẫn đang tiếp tục đàm phán để đưa ra những văn bản quy định thật chi tiết về cơ chế đưa LĐ sang.
– Mức lương và những cơ hội mà y tá, điều dưỡng viên của Việt Nam nhận được khi tham gia chương trình này?
– Tôi cho rằng, có nhiều điều thú vị mà các y tá, điều dưỡng của ta học được trong quá trình làm việc tại nước bạn. Đó là cơ hội được tiếp cận và làm việc với công nghệ hiện đại, nâng cao ý thức kỷ luật trong công việc… Sau 3-4 năm làm việc được tham gia thi và có được chứng chỉ quốc gia về nghề này thì có thể ở lại Nhật làm việc lâu dài. Còn nếu về nước, họ sẽ góp phần cải thiện chất lượng lao động nội địa.
Còn về mức lương sẽ tuân theo quy định của Nhật Bản và trả tùy từng vùng khác nhau. Con số cụ thể thì chưa có nhưng mức thu nhập của lao động nước ngoài, trong đó có Việt Nam, sẽ tương đương với người bản địa, không phân biệt, thấp nhất là 1.000 USD/tháng.
– Để được tham gia chương trình này, người LĐ cần phải đáp ứng những điều kiện nào?
– Người LĐ cần phải tốt nghiệp các trường đào tạo về y tá, điều dưỡng của Việt Nam, có chứng chỉ theo quy định của Bộ Y tế, có kinh nghiệm làm việc trong ngành ít nhất 2 năm, đặc biệt là phải đạt trình độ tiếng Nhật cấp 3. Phải hiểu rõ tập quán văn hóa, các quy định về pháp luật của Nhật Bản đối với ngành nghề cụ thể mà mình tham gia. Đối với ngành điều dưỡng, công việc chính thường là chăm sóc những người già, bệnh nhân nên càng đòi hỏi lao động phải có tính cần cù, cẩn thận và chịu khó.
Tất cả người lao động có ý định tham gia chương trình này phải tìm hiểu kỹ thông tin qua liên hệ với các cơ quan quản lý nhà nước gồm Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế và Bộ Công thương. Tuyệt đối không nghe qua các công ty môi giới. Những LĐ ở vùng sâu, vùng xa khi tham gia sẽ có ưu tiên về kinh phí đào tạo nhưng vẫn phải đáp ứng yêu cầu từ phía Nhật Bản.
|