Trang chủ Sức khỏe - Đời sống Bệnh nhân “nhảy múa” theo giá thuốc và viện phí
Bệnh nhân “nhảy múa” theo giá thuốc và viện phí

Không chỉ ở hệ thống các trung tâm mà ngay cả nhà thuốc bệnh viện giá thuốc sao “nhảy múa” bất ngờ khiến nhiều bệnh nhân lo lắng.

Hiện nhiều loại thuốc Tây trên thị trường TP Hồ Chí Minh đột ngột tăng giá rất cao và đây cũng là “đợt sóng” tăng giá thuốc lần thứ 3 từ đầu năm tới nay.

Một khảo sát từ cơ quan chức năng vào khoảng tháng 4/2012 cho biết, do giá nguyên liệu đầu vào, giá điện, xăng đều tăng nên kéo theo giá những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong đó có thuốc tây tăng giá. Tuy nhiên khi dự báo này còn mới được công bố ở mức “dè dặt” là “sẽ tăng nhẹ” những mặt hàng thuốc nhập khẩu thì trên thị trường hàng loạt mặt hàng thuốc tây cả nội và ngoại đã được người bán đẩy lên cao hơn trước từ 10-16% và riêng từ đầu tháng 9 tới nay, nhiều mặt hàng được đẩy lên cao hơn trước 30%.

Vào thời điểm tháng 5, cũng theo khảo sát của Cục Quản lý dược - Bộ Y tế, trong hơn 12.000 mặt hàng thuốc nội đã có khoảng 65 mặt hàng thuốc tăng giá, còn số loại thuốc giảm giá chiếm không bao nhiêu. Về lý do tăng, các doanh nghiệp (DN) đều cho rằng do giá nguyên liệu đầu vào tăng nhưng thực tế khi khảo sát trong hơn 40 mặt hàng nguyên liệu từ Tổng cục Hải quan thì chỉ có một mặt hàng tăng giá (chiếm chưa đầy 2,5%) với mức tăng là 0,5%.

PV Báo CAND đã thực hiện một khảo sát thực tế trong mấy ngày qua tại thị trường TP Hồ Chí Minh, không chỉ ở hệ thống các trung tâm bán lẻ, bán sỉ mà cả trong các nhà thuốc bệnh viện, nhiều người cũng than giá thuốc sao “nhảy múa” bất ngờ khiến nhiều bệnh nhân nhất là những người mắc bệnh mạn tính lo lắng.

Trực tiếp điều trị cho bệnh nhân tại một phòng mạch khu vực quận Bình Thạnh, một bác sĩ cho biết: Mỗi đợt đi lấy thuốc gần đây thời điểm cách nhau chưa đầy 2 tuần mà giá nhiều loại đã chênh nhau rất cao. Theo bác sỹ này cho biết, tăng giá nhiều nhất là các loại thuốc bổ thông thường, các loại dịch truyền, thậm chí dây truyền dịch thuộc dạng vật tư tiêu hao không biết vì lý do gì cũng được báo tăng giá. Như chai Vitaplex 500ml vào thời điểm tháng 5, giá sỉ là 35.000đ/chai, nhưng giá hiện tại là 40.000 đ/chai mua tại chợ dược (giá bán sỉ) quận 10.

Theo bác sỹ này, riêng chai dịch truyền này từ cuối 2011 tới nay đã có 3 đợt tăng giá khá “ấn tượng”: Từ 27.000đ/chai lên 35.000đ/chai rồi nay là 40.000đ/chai, có lúc không lên chợ sỉ mua được phải mua ngay tại đại lý thì chịu đắt thêm 5.000đ/ chai nữa. “Như vậy nếu tính từ đầu tháng 5 tới nay những loại này đã tăng tới hơn 40%. Trong khi lấy giá thuốc cho bệnh nhân không tăng được”, bác sỹ này phân tích.

Cầm toa thuốc mua cho bố đang điều trị bệnh ung thư dạ dày tại BV Ung bướu TPHCM, chị H.H., ngụ tại Bình Thạnh cho biết: “Toa thuốc vô hóa chất ngày 5/9 trị giá 56.262.000đ nhưng cũng vẫn toa thuốc đó vào ngày 26/9 giá đã là 56.882.000đ. Mà bố tôi phải chỉ định vô 6 lần”.

Thông tư 50/2011/TTLT-BYT-BTC-BCT của Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương có hiệu lực từ tháng 6/2012, qui định rõ: Nguyên tắc quản lý của nhà nước về giá thuốc là các cơ sở kinh doanh thuốc tự định giá, cạnh tranh về giá, chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước về giá thuốc theo luật Dược. Nhưng thực tế, một số dược sĩ mà chúng tôi trao đổi cho hay, ngay tại khâu kê khai,giá thuốc đã bị “ma mãnh” đẩy lên trước một cách tinh vi.

Theo đó, mỗi lần kê khai giá, các doanh nghiệp dược nhập khẩu đã kê khai đón đầu giúp cho DN kê lên một cách “hợp pháp” từ 5/10 lần so với giá khai báo để tăng hợp pháp thời gian sau đó. Hay chỉ cần xuất qua một DN khác trung gian với cách kê khai “hợp lý”, đúng luật giá mặt hàng đã được “phép” tăng hơn trước. Còn tăng bao nhiêu do thỏa thuận 2 bên. Và phổ biến nhất là DN càng chứng minh được càng nhiều “phí” càng tốt để đội giá thuốc lên 10-20%, khi bị nhà quản lý phát hiện thì dù có bị hạ xuống các DN vẫn có lời…

Như vậy, hiện cùng với giá viện phí tăng, giá thuốc đột ngột tăng vọt đang khiến bệnh nhân phải è cổ gánh “phí kép” mà điều này thì dường như chưa nhà quản lý quan tâm!?

Theo Dân Trí

 

free statistics

DMCA.com Protection Status