Chất lượng Vaccine ở Việt Nam đáng lo ngại |
Một tháng 5 trẻ nhập viện, 4 trẻ tử vong Ngày 7/12, Trạm Y tế xã Châu Quang tiến hành tiêm chủng cho trẻ em. Đợt tiêm mũi “5 trong 1” phòng các bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do HIB. Cả xã có 65 cháu đến tiêm phòng. Cuối buổi, có 3 cháu nhỏ gồm: Lô Quang Thịnh, Vi Hoài Nam và Vi Trung Kiên (đều 3 tháng tuổi) có biểu hiện nôn quấy, sốt, bỏ bú. Đến ngày 9/12, cháu Nam tử vong. Một ngày sau, cháu Thịnh tử vong và 5 ngày sau đó, cháu Kiên cũng qua đời. Ngày 29/12, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Định cho biết, thành phố Quy Nhơn có 3 trẻ phải nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh sau khi tiêm vaccine “5 trong 1” Quinvaxem, vì có những biểu hiện phản ứng thuốc. Trong đó, 2 cháu bé có biểu hiện tím tái, khóc thét và một cháu bé có triệu chứng ngưng thở. Rất may, do được cứu chữa kịp thời nên các cháu đã qua khỏi cơn nguy kịch. Thậm chí, mới đây nhất vào hôm 6/1/2013 ngay giữ Thủ đô văn minh và có hệ thống y tế hoàn hảo nhất vẫn để xảy ra trường hợp cháu bé bị tử vong sau khi tiêm vaccine. Vaccine "5 trong 1" hiện có 2 loại. Một loại có tên Quinvaxem của Hàn Quốc, ngừa cùng lúc 5 loại bệnh gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, Hib và viêm gan siêu vi. Đây là văcxin được dùng trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Ngoài ra còn có văcxin "5 trong 1" của Pháp là Pentaxim, phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và Hib. Sự khác biệt của hai văcxin này là ở thành phần ho gà. Loại của Pháp ít phản ứng phụ sau tiêm hơn vì là thành phần ho gà vô bào, trong khi văcxin Hàn Quốc là tế bào. Theo thống kê của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trong gần 4 năm qua, đã có 55 ca phản ứng nặng sau tiêm chủng, trong đó có 27 ca tử vong. Một chuyên gia của Bộ Y tế đánh giá đây là một trong những chùm tai biến sau tiêm chủng nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Mặc dù hội đồng chuyên môn của Sở Y tế Nghệ An và Bộ Y tế đều đã họp, nhưng chuyên gia này cho rằng “chưa có đủ bằng chứng để xác định mối liên quan giữa chất lượng văcxin và dịch vụ tiêm chủng đến các trường hợp tử vong”. Bác sĩ khuyên nên tiêm Vaccine dịch vụ Sau khi liên tiếp các vụ trẻ có vấn đề với vaccine "5 trong 1" trong chương trình tiêm mở rộng, một số cán bộ y tế đã khuyên các bà mẹ nên chọn vaccine dịch vụ cho con? Trao đổi với báo chí, một số cán bộ Trung tâm y tế phường, xã ở Hà Nội khuyên các bậc phụ huynh nên tạm dừng tiêm loại vaccine “5 trong 1” đợi kết quả thông báo từ cơ quan chuyên môn và nên lựa chọn tiêm vaccine dịch vụ. So sánh giữa tiêm chủng mở rộng (miễn phí) và tiêm vaccine dịch vụ (mất tiền vaccine và phí tiêm), một cán bộ tại Trạm y tế phường Văn Quán (quận Hà Đông, Hà Nội) cho rằng, tiêm dịch vụ vẫn hơn, dịch vụ có vaccine “6 trong 1”, còn tiêm chủng chỉ có vaccine “5 trong 1”. “Theo kinh nghiệm tôi thấy, vaccine “6 trong 1” (vaccine chỉ dùng tiêm dịch vụ - PV) sau khi tiêm trẻ ít khi bị sốt, còn tiêm vaccine “5 trong 1” trẻ hay sốt hơn”, cán bộ y tế này nhận xét. Bác sĩ Chuyền, phụ trách điểm tiêm chủng số 2 - Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội (23 Nguyễn Viết Xuân, Hà Đông, HN) cho biết, điểm tiêm chủng này chỉ tiêm vaccine dịch vụ, đa phần vaccine được nhập về từ Châu Âu. “Sau vụ việc đáng tiếc ở Nghệ An, số trẻ tới tiêm ở cơ sở chúng tôi vẫn không hề giảm, vì điểm tiêm của chúng tôi chỉ tiêm dịch vụ, vaccine loại đắt, tốt, nên không ảnh hưởng gì. Từ ngày thành lập trung tâm chưa xảy ra bất kể một sự cố đáng tiếc nào”, bác sĩ Chuyền cho biết thêm. Só sánh giữa chất lượng vaccine dịch vụ và vaccine tiêm chủng mở rộng, bác sĩ Chuyền cho hay: “Vaccine dịch vụ phải hơn chứ, nếu bằng thì ai còn đến mất tiền nữa”. Bộ Y tế vẫn tự hào thành quả 25 năm Dù liên tiếp xảy ra các ca tử vong vì tiêm Vacine như vậy nhưng Bộ Y tế vẫn tổ chức họp báo về thành quả 25 năm tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam. Phát biểu tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) chính thức triển khai ở Việt Nam từ năm 1985 với việc tiêm chủng 6 loại vắc xin phòng một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em, bao gồm: Lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và sởi. Đến nay, chương trình TCMR đã triển khai miễn phí 11 loại vắc xin phòng bệnh. Trong hơn 25 năm qua, Việt Nam đã đạt và duy trì một số thành quả trong việc thanh toán, loại trừ, giảm số mắc và tử vong của các bệnh trong TCMR và nâng cao chất lượng dịch vụ tiêm chủng. Tuy đạt được những thành tựu đáng ghi nhận đó nhưng hiện người dân vẫn băn khoăn với chất lượng của các vắc xin trong chương trình TCMR khi có một số trường hợp có tai biến sau tiêm chủng. Giải đáp thắc mắc này của phóng viên, GS.TS. Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẳng định.: Từ năm 2009 đến nay, Việt Nam ghi nhận 55 ca phản ứng nặng sau tiêm chủng, 31 ca đã tử vong, trong đó xác nhận 17 trường hợp có thể liên quan đến tiêm chủng. Ông Hiển khẳng định, không có vắc xin nào an toàn 100%. Hiện nay mỗi năm nước ta có khoảng 1 triệu trẻ em được ra đời, cũng có hàng ngàn trẻ tử vong vì những lý do khác nhau, không hẳn liên quan đến tiêm chủng. “Đó chỉ là sự trùng hợp “ngẫu nhiên”, vì trong thời gian tiêm chủng, trẻ có thể mắc những bệnh lý khác dẫn đến tử vong nhưng dư luận chưa hiểu tường tận, thường đổ lỗi cho vắc xin. Điều đó là không đúng, do chất lượng vắc xin nội cũng như vắc xin được nhập ngoại, đều qua quy trình kiểm tra chặt chẽ, từ khâu xuất xưởng đến cấp giấy phép đều đúng quy trình, quy định của Bộ Y tế”, ông Nguyễn Trần Hiển cho biết. Thậm chí, trước khi xảy ra vụ em bé 3 tháng tuổi tử vong vì tiêm Vaccine hôm 6/1 ở Hà Nội. Ông Nguyễn Nhật Cảm, Phó Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, còn khuyên người dân không nên lo lắng về chất lượng của vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng. “Về chất lượng vaccine trong chương trình TCMR, các loại vaccine đều đã được Bộ Y tế kiểm nghiệm và cho phép lưu hành. Ngay như loại vaccine 5 trong 1 mới được đưa vào trong chương trình TCMR, không chỉ được Bộ Y tế Việt Nam mà còn được liên minh toàn cầu vaccine của WHO cho phép sử dụng trên toàn thế giới. Điều đó có nghĩa độ an toàn đã được thừa nhận, người dân không nên boăn khoăn về chất lượng” – ông Cảm khẳng định. Theo Báo Đất Việt |
Chỉ trong vòng 1 tháng, 5 trẻ nhỏ đã phải nhập viện khẩn cấp vì tiêm Vaccine. Trong đó, 4 cháu bé đã bị tử vong. Chất lượng vaccine ở Việt Nam đang khiến người dân hoang mang, mất niềm tin.