Trang chủ Sức khỏe - Đời sống Ngột ngạt vật vờ chờ khám bệnh ở bệnh viện
Ngột ngạt vật vờ chờ khám bệnh ở bệnh viện

Không chỉ tại các khoa phòng khám bệnh thông thường mới quá tải trầm trọng, mà ngay tại các khoa dịch vụ, người bệnh phải trả tiền cũng diễn ra cảnh xếp hàng, chen chân...
Khu khám bệnh đông hơn… hội!

Chị Nguyễn Thị Hiền (30 tuổi, Bắc Ninh) cho biết, 5h sáng chị đã có mặt tại Khoa khám bệnh (BV Bạch Mai), chờ mãi đến 7h mới bắt đầu làm các thủ tục, nộp tiền, lấy số. “Tưởng đến sớm thế nhưng đâu có ăn thua gì (xếp số thứ tự là 33 ở phòng nội soi dạ dày), nhiều người đến sớm hơn, xếp hàng trước. Chắc phải đầu giờ chiều quay lại.

8h sáng 1/8, có mặt tại Khoa khám bệnh (BV Bạch Mai), phóng viên Dân trí cũng “tuốt” mồ hôi cố chen chân để chụp ảnh. Bởi mấy chục dòng người xếp hàng dài chừng 5m, san sát, nhích từng bước một

Tại Khoa khám bệnh theo yêu cầu (BV Bạch Mai), tình trạng cũng không sáng sủa hơn, khi trước sảnh khoa này chỉ chừng 30m2 nhưng người đứng chật cứng để đăng kí khám. Muốn “lưu thông”, người đi phải khó khăn lắm mới lách qua được dòng người san sát.
“Tôi đưa mẹ lên đây đăng kí khám Giáo sư, vì bệnh cụ phức tạp, vừa bị dạ dày, đại tràng, viêm khớp…Thấy Khoa khám bệnh quá đông, không nỡ để mẹ đợi lâu, tôi sang Khoa khám dịch vụ đăng kí mà cũng quá tải không kém, chen chân 15 phút rồi vẫn chưa đến lượt nộp tiền, lấy số”, chị Nguyễn Thị Minh (Vĩnh Phúc) chia sẻ.

Tại BV K, chị T.T.H (Bắc Giang) đi khám phần phụ được chỉ định làm các xét nghiệm máu, chụp X - quang và siêu âm. “Oái oăm ở chỗ, các kết quả các xét nghiệm máu, X-quang thì xong hết rồi, nhưng siêu âm phần phụ đông quá lại hẹn đến mai. Tôi vẫn chưa biết làm thế nào đây, ở trọ lại Hà Nội hay bắt xe về rồi mai lại xuống sớm. Thật, đi khám bệnh mà chen, đông đúc hơn cả đi hội”, chị H nói.

Bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện K là hai trong số 9 bệnh viện tuyến TƯ được ưu tiên đầu tư các dự án đầu tư xây dựng bệnh viện đến năm 2015 - 2020. Trong đó, tại bệnh viện K, số giường bổ sung là 1.000 giường nhưng dự kiến đến năm 2013 mới hoàn thành. Tại bệnh viện Bạch Mai, sẽ thêm khoảng 1.500 giường mới bổ sung, trong đó riêng Trung tâm tim mạch trẻ em, Trung tâm ung bướu là 500 giường bệnh, dự kiến 2015 mới hoàn thành.

Tuy nhiên, để giảm tải, bệnh viện Bạch Mai đã tăng thêm 200 giường bệnh. “Dù cố gắng hết sức nhưng lượng bệnh nhân đổ về quá đông, nên vẫn có những khoa phải nằm ghép như ung bướu, tim mạch, cao điểm phải ghép 3 bệnh nhân/giường”, ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc BV Bạch Mai, cho biết.

Ông Hiền cho biết thêm, riêng với khám bệnh ngoại trú, để giảm tải, BV Bạch Mai đang phải rất nỗ lực. “Trung bình một ngày có 2.200 - 2.500 bệnh nhân đến bệnh viện Bạch Mai khám một ngày. Giờ cao điểm buổi sáng, chúng tôi phải tăng cường 30 kênh đón tiếp, đang tăng số phòng khám bệnh từ 15 phòng lên 50 phòng, tiến tới sẽ là 60 phòng khám khi khoa Khám bệnh được sữa chửa xong. Chi phí đổ vào sửa chữa khoa Khám bệnh khoảng 20 tỷ và đã mang lại hiệu quả nhất định, số giờ chờ đợi khám của người bệnh đã giảm từ 7 - 8 tiếng xuống còn 4 - 6 tiếng, tuyệt đối không còn bệnh nhân phải hẹn đến ngày hôm sau, bởi các bác sĩ được yêu cầu đi khám sớm hơn và chỉ kết thúc khi không còn bệnh nhân nào”, ông Hiền nói.

2015: Mỗi bệnh nhân một giường

Cơ sử hạ tầng bệnh viện, theo tiêu chuẩn của Việt Nam đề ra diện tích sử dụng bình quân trên một giường bệnh 50 - 70m2 đối với bệnh viện nội đô và 50 – 100m2 đối với bệnh viện ngoại thành. Tuy nhiên, trên thực tế tại các thành phố lớn và bệnh viện trung ương diện tích sàn bình quân chỉ đạt dưới 40m2 thậm chí có bệnh viện chưa viện chưa đạt mức 20m2 như bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh (12m2/giường bệnh), bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình (10m2/giường). Cơ sở bệnh viện cũng xuống cấp nghiêm trọng, ngay tại TP Hà Nội trên 60% bệnh viện bị xuống cấp.

Thực tế, công suất sử dụng giường bệnh ở tuyến trung ương ngày càng tăng lên. Công suất sử dụng giường bệnh chung của các bệnh viện TƯ năm 2009 là 116%, tăng lên 120% vào năm 2010. Trầm trọng hơn ở các bệnh viện K (249%), BV Bạch Mai (168%), bệnh viện Chợ Rẫy (154%), BV Đa khoa Quảng Ngãi (130%)… Theo Bộ Y tế, tình trặng quá tải này là chưa từng thấy ở những nước trong khu vực và thậm chí trên thế giới.

Trước tình trạng quá tải trầm trọng tại các bệnh viện, Bộ Y tế đã xây dựng đề án giảm tải bệnh viện giai đoạn 2012-2020 đang trình Chính phủ. Bộ Y tế đặt mục tiêu 3 năm nữa cơ bản không còn tình trạng nằm ghép và mỗi bác sĩ cũng không khám quá 50 người bệnh trong 8 giờ làm việc.

Đồng thời, đề án cũng đề ra chỉ tiêu tăng tối thiểu 11.350 giường bệnh cho các bệnh viện quá tải trầm trọng tại tuyến trung ương và 2 thành phố là Hà Nội và TP HCM. Bên cạnh đó, cũng tăng khoảng 8.000 giường ở tuyến tỉnh cho 5 chuyên khoa: ung bướu, chấn thương chỉnh hình, tim mạch, sản, nhi. Bộ Y tế khẳng định, khi đạt mức giường bệnh như trên, chắc chắn không còn cảnh bệnh nhân nằm ghép mà mỗi người bệnh sẽ được nằm một giường bệnh.

Phát triển hệ thống bệnh viện vệ tinh và mạng lưới bác sĩ gia đình cũng là một trong những điểm trọng tâm của đề án. Cụ thể sẽ xây dựng mạng lưới bệnh viện vệ tinh của một số bệnh viện trung ương, tuyến cuối của Hà Nội và TP HCM. Chẳng hạn, với chuyên khoa ung bướu sẽ xây dựng 15 khoa thuộc 15 bệnh viện làm vệ tinh cho Bệnh viện K và Bệnh viện Ung bướu TP HCM...

Các chuyên gia hy vọng việc triển khai đề án này sẽ góp phần nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh và sự hài lòng của người bệnh. Đồng thời cũng sẽ giúp nâng cao năng lực chuyên môn cho tuyến dưới, tạo điều kiện cho các bệnh viện tuyến trên tập trung phát triển kỹ thuật cao, giảm dần lượng người bệnh ra nước ngoài điều trị.

Theo Dân Trí

 

free statistics

DMCA.com Protection Status