Trang chủ Sức khỏe - Đời sống Chất lượng dịch vụ y tế thấp do đâu?
Chất lượng dịch vụ y tế thấp do đâu?

Tranh cãi quanh viện phí mới: Chất lượng dịch vụ y tế thấp do đâu?

Ngày 21/8, phiên họp với các chuyên gia về viện phí, Luật bảo hiểm y tế và Luật khám chữa bệnh do Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã diễn ra khá nóng bỏng vì những tranh luận xung quanh viện phí mới.
Ông Trần Tuấn, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu sức khỏe cộng đồng, cho rằng cơ bản chất lượng dịch vụ y tế hiện còn thấp là do vấn đề nhân lực. Viện phí tăng do vật tư tiêu hao, các chi phí cơ sở vật chất chỉ là một phần của chất lượng dịch vụ.

Muốn nâng chất nhưng chưa có “chuẩn”

Chất lượng dịch vụ y tế có tăng theo giá là câu hỏi được đặt ra nhiều lần tại cuộc họp. Theo ông Nguyễn Nam Liên, phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - tài chính (Bộ Y tế), để giảm quá tải từ tháng 5 đến nay đã có thêm 200 giường bệnh cho bệnh nhân ung bướu và tim mạch tại Bệnh viện Bạch Mai, 300 giường bệnh tại cơ sở mới của Bệnh viện K, 500 giường tại Bệnh viện Đa khoa T.Ư Quảng Nam.

“Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu các bệnh viện sớm đầu tư chăn drap gối nệm mới vì trong giá dịch vụ đã có, đồng thời không thu thêm của người bệnh các chi phí đã cấu thành trong giá”- ông Liên nói.

16 bệnh viện T.Ư sẽ áp dụng viện phí mới từ tháng 9

Theo ông Nguyễn Nam Liên, tổ thẩm định viện phí đang xem xét rà soát để chuẩn bị thông qua viện phí mới cho thêm 16 bệnh viện tuyến T.Ư trong tháng 8. Do đó, các bệnh viện có thể áp dụng viện phí mới từ tháng 9. Nhóm bệnh viện đang chờ thông qua viện phí mới gồm Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện T.Ư Huế, Bệnh viện Đa khoa T.Ư Cần Thơ... 16 bệnh viện tuyến T.Ư còn lại dự kiến được thông qua viện phí mới vào tháng 9. Qua thẩm tra dự toán viện phí mới, ông Liên cho biết có một số bệnh viện kê nhầm, kê quá mức một số dịch vụ, nhưng có dịch vụ kê đúng nhưng bị hiểu lầm như dịch vụ siêu âm nội soi của Bệnh viện T.Ư Huế. Theo đó, dịch vụ này do bảy người thực hiện nên cần bảy đôi găng tay, bảy chiếc khẩu trang...

Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ y tế như thế nào thì cả hệ thống y tế còn hiểu mù mờ. Ông Đàm Viết Cương, nguyên viện trưởng Viện Chiến lược chính sách y tế, cho rằng chất lượng dịch vụ bao gồm bảy yếu tố: hiệu quả (chữa được bệnh), hiệu suất (chi phí phù hợp), công bằng, người dân có khả năng tiếp cận, an toàn, lấy bệnh nhân làm trung tâm và thời gian điều trị ngắn.

“Nếu đảm bảo bảy yếu tố này mới có thể coi là đạt chất lượng dịch vụ. Có ý kiến đề nghị người dân phải đóng thêm viện phí để tăng thu nhập cho cán bộ y tế, vì sao lại phải đóng thêm tiền để tăng thu nhập cho cán bộ y tế vì lương cán bộ đã đủ sống đâu? Nên đặt ra câu hỏi nếu tăng viện phí, có nhóm dân cư nào bị loại ra khỏi dịch vụ chăm sóc sức khỏe” - ông Cương băn khoăn.

Mức viện phí mới như thế nào là phù hợp cũng được nhiều người đặt ra. Ông Nguyễn Đức Hòa, phó giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội, cho biết Hà Nội đang dự định áp dụng viện phí theo lộ trình, trước mắt từ nay đến năm 2014 áp dụng

75-80% khung viện phí của liên bộ Y tế - Tài chính. Sau đó sẽ tùy tình hình điều chỉnh. Song nhiều ý kiến lại băn khoăn tỉnh Sơn La hai năm qua còn dư quỹ bảo hiểm y tế hàng trăm tỉ đồng, tại sao không cho thu cao để có tiền đầu tư vào cơ sở vật chất?

Ông Nguyễn Văn Tiên, phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, cũng dẫn trường hợp tỉnh Trà Vinh chỉ thu 24.000 đồng/ngày giường bệnh cấp cứu (khung của liên bộ cho phép thu tối đa là 335.000 đồng). “Bộ Y tế nên tổ chức đoàn đi các địa phương, xem thực tế và có những chính sách phù hợp” - ông Tiên đề nghị.

Cần sử dụng quỹ bảo hiểm hợp lý

63,7% dân số đã có bảo hiểm y tế là mức tăng trưởng nhanh, nhưng ở nhóm trẻ em dưới 6 tuổi, mặc dù Nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí vẫn chỉ có 81% trẻ có thẻ bảo hiểm. Ở nhóm người cận nghèo, Nhà nước hỗ trợ 70% phí cũng chỉ mới 25% tham gia bảo hiểm y tế. Viện phí mới sẽ tác động mạnh nhất đến nhóm người chưa có thẻ bảo hiểm y tế như 75% người cận nghèo còn lại và rất nhiều nông dân, diêm dân, ngư dân...

Theo bà Tống Thị Song Hương, vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế, thực hiện Luật bảo hiểm y tế ba năm qua, trong đó có chính sách dành cho nông dân có mức thu nhập trung bình, nhưng đến nay vẫn chưa có quy định rõ thế nào là nông dân có thu nhập trung bình nên khó mở rộng diện bao phủ thẻ bảo hiểm y tế ở nhóm này.

Viện phí cao, phải sửa cung cách làm bảo hiểm y tế cũng là đề xuất của phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế Nguyễn Huy Quang. Theo ông Quang, nhiều người kêu tuyên truyền bảo hiểm y tế còn ít ỏi, nhưng ai tuyên truyền, ai vận động lại chưa cụ thể. Việc mở rộng diện bao phủ bảo hiểm y tế chủ yếu là đợi Nhà nước cấp tiền và... chờ người ta tham gia.

“Ở Hàn Quốc, khi chúng tôi đến thấy họ lăn lộn vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế. Những người quá nghèo không tham gia được thì miễn phí khám chữa bệnh 100%. Ở VN mở rộng diện bao phủ bằng xin ngân sách cấp tiền rồi đợi người ta đến mua” - ông Quang phân tích.

Ông Nguyễn Nam Liên đề nghị Quốc hội ủng hộ mua thẻ bảo hiểm y tế cho người cận nghèo với phí trả trước là 70% mệnh giá được Nhà nước hỗ trợ, số còn lại người cận nghèo sẽ chi trả khi đi khám chữa bệnh. Năm 2012, dự kiến chi phí khám chữa bệnh khoảng 52.000 tỉ đồng, 32.000 tỉ trong đó do Quỹ bảo hiểm y tế chi trả, 11.000 tỉ  đồng do ngân sách hỗ trợ và số còn lại là người dân đóng viện phí. Điều đó chứng tỏ vai trò của Quỹ bảo hiểm y tế đối với hoạt động khám chữa bệnh hiện tại.

Tuy nhiên sử dụng quỹ này hợp lý chưa thì hầu hết ý kiến cho biết là chưa. Đại diện Bệnh viện Lao và bệnh phổi T.Ư thống kê cho thấy bệnh nhân bảo hiểm y tế bị lạm dụng dịch vụ và thuốc nhiều hơn hẳn bệnh nhân trả viện phí, vì ai cũng nghĩ đó là quỹ chung và muốn “cấu” vào một chút. Chi phí mua thuốc với khoảng 30.000 tỉ đồng/năm mà mỗi nơi một giá, cùng một địa phương cùng một loại thuốc chênh lệch giá tới 4 lần. Tại sao Bộ Y tế không có vai trò gì trong tổ chức đấu thầu? Vì sao không đấu thầu quốc gia như Hàn Quốc đã làm và giảm giá thuốc sử dụng nhiều xuống còn 1/2? Đó là những câu hỏi còn chờ Bộ Y tế, khi viện phí đã tăng và sắp tới phí bảo hiểm y tế cũng tăng.

Theo dantri.com.vn

 

free statistics

DMCA.com Protection Status